“Viên ngọc xanh ẩn mình”
Núi Chứa Chan, hay còn gọi là núi Gia Lào, tọa lạc tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, là viên ngọc quý của miền Đông Nam Bộ. Ngọn núi được ví von là “đệ nhị thiên sơn”, “Đà Lạt của Đông Nam Bộ”, mang vẻ đẹp hoang sơ với hệ sinh thái rừng đa dạng, những vách đá ẩn dưới tán cây xanh mát và dòng suối trong lành chảy quanh năm.Từ đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa là có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh vùng đồng bằng Đông Nam Bộ với những cánh đồng trải dài bất tận. Nhờ địa hình, độ cao, nơi đây có khí hậu đặc biệt tựa như Đà Lạt thu nhỏ, mát mẻ quanh năm. Sáng sớm hay hoàng hôn, khi mây mù giăng lối, đỉnh núi khoác lên mình vẻ huyền ảo, thơ mộng, hệt như một nàng tiên say ngủ.

Đánh thức “đệ nhị thiên sơn”
Một trong những lợi thế lớn của núi Chứa Chan là vị trí địa lý đắc địa, nằm cách trung tâm TP.HCM chỉ khoảng 100 km - khoảng cách lý tưởng cho các chuyến đi nghỉ dưỡng, trải nghiệm dịp cuối tuần. Núi Chứa Chan còn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối dễ dàng với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.Tại nơi cửa ngõ giao thương quan trọng của miền Đông Nam Bộ, với các dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai như cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và đặc biệt là Sân bay quốc tế Long Thành, không chỉ giúp hành trình đến Núi Chứa Chan được rút ngắn mà còn mở ra cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế.Hiện nay, tại núi Chứa Chan có một số hoạt động du lịch trải nghiệm như trekking hay cắm trại. Song song đó, một hệ thống cáp treo hoạt động từ năm 2016 cũng phần nào giúp việc di chuyển lên quần thể chùa của Phật tử, du khách được thuận tiện, dễ dàng hơn.Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: “Nhiều năm qua, các hoạt động du lịch tại khu vực này hiện vẫn còn sơ khai, thiếu tính liên kết, chưa phát huy được tiềm năng vốn có, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Ông Nguyễn Sơn Hùng cho biết: “Việc khởi động dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí núi Chứa Chan đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc nâng tầm hình ảnh địa phương, tạo điều kiện phát triển hạ tầng, dịch vụ, và nâng cao đời sống người dân.”
Ông cũng đồng thời nhấn mạnh: “Dự án được hình thành sẽ tạo nên bước ngoặt cho du lịch địa phương, đáp ứng nhu cầu dự báo trung bình đến năm 2030, núi Chứa Chan sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 100.000 lượt khách lưu trú.
Thành công của dự án không chỉ mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, mà còn tạo thêm việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương, đồng thời khẳng định vị thế của Đồng Nai như một điểm đến du lịch trọng điểm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững”.
Tin rằng, với sự quyết tâm của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của người dân và sự vào cuộc của các nhà đầu tư tâm huyết, có tầm, Núi Chứa Chan sẽ được đánh thức, để trở thành tâm điểm mới của du lịch Đông Nam Bộ, xứng đáng với những gì mà thiên nhiên ban tặng.
Bình luận