Nên hay không tổ chức 2 buổi/ngày
Cô Trần Bích Thuỷ, giáo viên THCS ở Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, trường của cô tổ chức dạy 2 buổi/ngày bắt đầu từ năm 2020, học sinh ăn bán trú tại trường. Mặt tích cực, các gia đình không phải vất vả đón con buổi trưa, thuận tiện quản lý con, hạn chế được các cám dỗ điện thoại, điện tử, ti vi... Tuy nhiên, thực tế trong các năm qua thời khoá buổi buổi chiều - sáng lẫn lộn giữa môn học chính và các lớp kỹ năng.
"Đôi khi giáo viên bận việc hoặc do thoả thuận lịch với các trung tâm Anh ngữ, trung tâm kỹ năng bên ngoài mà nhà trường xếp lịch học chính khoá xen kẽ lịch học phụ đạo", cô Thuỷ nói v💧à cho biết phản đối cách sắp xếp thời khoá biểu như vậy.
Giờ đây, sau khi có lệnh cấm tổ chức dạy thêm học thêm tại trường có thu tiền, hoàn toàn các tiết buổi chiều nhà trường chuyển sang hoạt động dạy kỹ năng sống, câu lạc bộ, luyện tập văn nghệ. Tuy nhiên, dù bớt được tiền học thêm nhưng giờ đây phụ huynh lại bị tăng tiền đóng bởi các lớp, câu lạc bộ buổi chiều.Theo cô Thuỷ, để quy định dạy học 2 buổi/ngày không chồng chéo với việc cấm dạy thêm ở trường có thu tiền, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT cần sớm có hướng dẫn để các trường thực hiện, vừa không chồng chéo, vừa không tạo thêm gánh nặng khoản phí cho phụ huynh, đặc biệt để học sinh được hưởng sự giáo dục công bằng, hiệu quả.Có nên bắt buộc dạy học 2 buổi/ngàyThầy Lê Đức Lâm, giáo viên THCS ở Ba Vì, Hà Nội cho rằng, nếu bắt buộc dạy 2 buổi/ngày sẽ chồng chéo quy định dạy thêm có thu tiền. "Nếu học ngày 2 buổi ở trường, tất cả học sinh trong lớp sẽ phải theo một chương trình chung, không có thời gian tự học để đạt mục tiêu riêng. Không phải em nào cũng phấn đấu thi vào trường THPT điểm, top đầu, nhiều em chỉ muốn học hết bậc THCS để vào trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên", thầy nói.
Do đó, nếu tổ chức học 2 buổi/ngày với tất cả học sinh sẽ không đạt hiệu quả, làm tăng học phí và nếu không quản lý chặt ở các trường sẽ lại tiếp diễn các lớp dạy thêm học thêm núp bóng bồi dưỡng kỹ năng, câu chuyện này đã xảy ra trong thực tế ở nhiều nơi. Ông Nguyễn Công Phúc Khánh, Hiệu phó trường THCS Trần Văn Ơn (TP.HCM) ủng hộ quy định tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhất là với các trường ở khu vực đô thị. Tại những khu vực này, nhu cầu cho con em học 2 buổi/ngày và bán trú là cực lớn trong khi chương trình giáo dục của bậc trung học không bắt buộc dạy 2 buổi/ngày. Tuy nhiên quy định này lại đang chồng chéo với Thông tư 29 về cấm dạy thêm có thu tiền.Theo đó, từ năm 2010 việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày vẫn được các trường áp dụng theo Công văn 7291 của Bộ GD&ĐT, được thu phí. Đến nay chưa có bất cứ văn bản nào thông báo công văn này hết hiệu lực.Công văn 7291 quy định, hình thức tổ chức dạy học 2 buổi/ngày gồm các hoạt động giáo dục phù hợp với đối tượng, cụ thể như sau: Tổ chức các hoạt động giáo dục theo nhóm năng khiếu, sở thích, mỗi nhóm có thể bao gồm học sinh từ các lớp khác nhau; phụ đạo, củng cố và ôn tập kiến thức trên cơ sở nắm chắc chất lượng học sinh, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên bộ môn lập danh sách học sinh theo nhóm học lực yếu kém hoặc học sinh giỏi của từng môn học, báo cáo hiệu trưởng để tổng hợp tổ chức lớp, phân công giáo viên phụ đạo học sinh yếu kém hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi... Trong khi đó, khoản 1, điều 5 Thông tư 29/2024 quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn như sau: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.Như vậy, nếu đối chiếu với Thông tư 29 thì các nhà trường không được thu tiền khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với những học sinh diện phụ đạo, củng cố và ôn tập kiến thức.Trong khi chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT TP.HCM, trường Tiểu học Trần Văn Ơn tổ chức họp phụ huynh học sinh để xin ý kiến. Những phụ huynh học sinh không đăng ký tham gia hoạt động 2 buổi/ngày thì có thể chuyển qua lớp 1 buổi/ngày.Trường xây dựng kế hoạch tổ chức buổi 2 trong đó không dạy trước chương trình, không ôn tập, củng cố kiến thức mà phải hướng đến phát triển tư duy, năng lực của học sinh. Ông Khánh cũng cho biết, đang nghĩ đến việc tổ chức dạy học tự chọn theo hướng phát huy năng khiếu theo quy định của Bộ như các lớp phát triển tư duy toán thực tiễn, phát triển văn hóa đọc hay năng lực thực nghiệm khoa học tự nhiên…Dạy 2 buổi để lách quy định dạy thêm?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, nguyên Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho hay, theo quy định về dạy học 2 buổi/ngày, buổi thứ 2 các trường sẽ cho học sinh học môn phụ đạo, các kĩ nặng, không được phép dạy môn văn hoá. Do vậy, nếu tổ chức đúng thì học 2 buổi/ngày không thể vi phạm quy định về dạy thêm học thêm được.Khi đề cập đến vấn đề dạy thêm học thêm trong nhà trường, các thầy cô phải đọc kỹ giải thích từ ngữ tại Thông tư 29. Đó là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài kế hoạch giáo dục đối với môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình. Trong khi đó tất cả những hoạt động khác của nhà trường trong buổi thứ hai (tức là dạy học 2 buổi/ngày) thì có rất nhiều hoạt động để giúp học sinh tự học, tự rèn luyện, được phát triển các kỹ năng của mình.
Việc 'học' cũng được quy định ngay trong Điều 19, Khoản 2, Điều lệ trường học, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường như học lý thuyết, làm bài tập, thí nghiệm, thực hành, câu lạc bộ, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng…. "Các trường phải xây dựng kế hoạch như vậy chứ không phải bây giờ tổ chức dạy 2 buổi/ngày nhưng buổi chiều vẫn 'lấp' học sinh vào lớp như thế là vi phạm quy định dạy thêm, học thêm. Nếu làm đúng thì không có khái niệm lách luật ở đây", ông Thành nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, để dạy học 2 buổi/ngày hiệu quả, các trường cần đạt đủ ba điều kiện:- Cơ sở vật chất cần đảm bảo đủ điều kiện để trẻ ở bán trú buổi trưa tại trường. Đồng thời cần đủ sân chơi, bãi tập nhằm tổ chức hoạt động giáo dục thể chất và nâng cao những kỹ năng khác.
- Đảm bảo đủ số lượng giáo viên.
- Có chương trình dạy học, hoạt động giáo dục đảm bảo đủ 2 buổi/ngày, phù hợp với tâm, sinh lý của lứa tuổi học sinh.
"Qua khảo sát, nơi nào tổ chức tốt việc dạy học hai buổi mỗi ngày thì chất lượng giáo dục toàn diện của trường, lớp đó cũng khá hơn và tốt hơn nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập", ông Thưởng nói. Do đó, thời gian༺ tới, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, đánh giá lại hoạt động dạy này. Sau khi có kết quả đánh giá𒁏, Bộ sẽ có hướng dẫn chung toàn quốc để áp dụng cho từng cấp học.
Bình luận