
Chấn chỉnh hoạt động dạy thêm
Ngày 14/2, Thông tư 29/2024 thay cho Thông tư 17/2012 do Bộ GD&ĐT ban hành chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trên cả nước.Khi xây dựng thông tư này, Bộ GD&ĐT hướng tới quan điểm trường không có học thêm, dạy thêm vì về nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã bảo đảm cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Giáo dục thực hiện vào năm 2023, trung bình mỗi học sinh THPT tại các thành phố lớn phải tham gia 12 - 15 tiết học thêm mỗi tuần, chiếm gần 40% thời gian học tập với mức học phí trung bình 2 - 4 triệu đồng/tháng. Điều này không chỉ gây áp lực tài chính mà còn tạo ra sự mất cân bằng trong phát triển toàn diện của học sinh.
Miễn học phí cho học sinh
Ngày 28/2, Bộ Chính trị quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước. Thời điểm thực hiện từ đầu năm học mới 2025 - 2026 (tháng 9/2025 trở đi).Dự kiến nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện chủ trương miễn học phí cho những đối tượng nêu trên là khoảng 30.000 tỷ đồng/năm.
Học tập suốt đời
Lời kêu gọi "học tập suốt đời" của Tổng Bí thư Tô Lâm không phải là khẩu hiệu hoàn toàn mới, nhưng được đặt trong bối cảnh toàn cầu đặc biệt và có những yêu cầu riêng biệt nên có ý nghĩa và tầm quan trọng rất đặc biệt.Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2023, 50% kiến thức đại học sẽ trở nên lỗi thời sau 5 năm trong lĩnh vực công nghệ và sau 10 năm trong hầu hết những ngành nghề khác. Tốc độ đổi mới công nghệ khiến 65% học sinh tiểu học hiện nay sẽ làm những công việc chưa từng tồn tại khi em trưởng thành.Tổng Bí thư Tô Lâm nói: "Thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đã trở thành phong trào, thành nhu cầu, thành nếp văn hóa và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Theo đó, đã hình thành hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất từ giáo dục mầm non đến đào tạo sau đại học; các loại hình trường, lớp, loại hình đào tạo được đa dạng hóa, mang lại cơ hội học tập cho người dân ở mọi lứa tuổi".
Bài viết của Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập liên tục trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ.Khẳng định để Việt Nam phát triển bền vững trong thời đại tri thức, toàn dân cần thực hiện việc học tập suốt đời, đặc biệt là cán bộ, đảng viên phải hội tụ được TÂM - TÀI - TRÍ - LỰC, "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung".
Cùng với đó, Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn chỉ ra những "căn bệnh" đang hạn chế hiệu quả của việc xây dựng tinh thần học tập suốt đời, nhấn mạnh sự cần thiết của việc khắc phục những hạn chế này để tạo động lực cho việc học tập liên tục.Tuy nhiên, để có thể thực hiện chiến lược giáo dục quốc gia mới, chúng ta cần tập trung vào giải quyết ba vấn đề. Thứ nhất, cải cách toàn diện chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông. Thứ hai, xây dựng hệ thống hỗ trợ phổ cập giáo dục toàn diện. Thứ ba, xây dựng văn hóa học tập suốt đời trong toàn xã hội.Với đội ngũ nhân lực được đào tạo theo chiến lược giáo dục mới, trong tương lai họ không chỉ bù đắp sự thiếu hụt mà còn là tiền đề cần thiết để đưa cả nước tiến vào thời kỳ phát triển mới thành công, làm cho đất nước Việt Nam ngày càng giàu có, vững mạnh, phồn vinh, “sánh vai với các cường quốc 5 châu” như Bác Hồ từng mong muốn.
Bình luận