
"Việc từ chối thanh toán không dùng tiền mặt đi ngược hoàn toàn với chủ trương của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy “Xã hội số - Kinh tế số - Công dân số”, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước chuyển đổi sang môi trường số, minh bạch và hiện đại", Chi cục Thuế khu vực I nhấn mạnh.
Do đó, đơn vị này khuyến cáo, người nộp thuế cần tỉnh táo, tìm hiểu rõ quy định pháp luật và không nên nghe theo các hành vi mập mờ, trái pháp luật như chỉ nhận tiền mặt hay không minh bạch trong giao dịch. Việc kê khai đầy đủ và trung thực doanh thu khi bán hàng hóa, dịch vụ là nghĩa vụ bắt buộc và là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức kinh doanh."Đối với những trường hợp cố tình che giấu doanh thu, khai báo thuế không trung thực, cơ quan thuế sẽ tiến hành truy thu, ấn định thuế, xử phạt vi phạm hành chính và trong trường hợp nghiêm trọng có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự", Chi cục Thuế Khu vực I cảnh báo.
Trong khi đó, các chuyên gia cũng cho rằng việc hộ kinh doanh không nhận tiền chuyển khoản hoặc thu thêm tiền của khách, yêu cầu khách không ghi nội dung khi chuyển khoản là đang vi phạm pháp luật, dễ bị xử phạt.Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, mọi khoản doanh thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh, bất kể là tiền mặt hay chuyển khoản, dù ghi nội dung gì đều bị tính thuế. Chia nhỏ doanh thu vào nhiều tài khoản, ghi nội dung sai, hay giấu doanh thu bằng cách dừng COD… chỉ là trò lẩn tránh tạm thời, rất dễ bị phát hiện.“Cơ quan thuế hiện có đầy đủ công cụ, dữ liệu và nghiệp vụ để đối chiếu giao dịch ngân hàng, xác minh thu nhập. Nếu người nộp thuế không chứng minh được nguồn gốc, họ sẽ bị nghi ngờ trốn thuế và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Hiếu cảnh báo.
Do đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, người kinh doanh nên từ bỏ tư duy “né” thuế, thay vào đó là chủ động khai báo đầy đủ và chịu trách nhiệm với thu nhập thật. Làm đúng thì chỉ phải nộp thuế và lãi chậm nộp (nếu có), còn cố tình trốn, hậu quả sẽ rất nặng.Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín cũng cho rằng, việc từ chối nhận thanh toán chuyển khoản là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần xem xét xử lý. “Các cơ quan chức năng cần đưa những đối tượng này vào tầm ngắm để thực hiện thanh tra, kiểm tra xem các dấu hiệu này có trở thành hành vi vi phạm chưa. Đồng thời cần xử lý nghiêm để cảnh tỉnh, răn đe những hộ, cá nhân kinh doanh khác", ông Được đề xuất.
Theo ông Được, trong sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, Nhà nước không quan tâm hộ kinh doanh hay cá nhân kinh doanh thu tiền bằng hình thức gì, chỉ quan tâm việc bán hàng, nhập hóa đơn và kê khai, nộp thuế đầy đủ trên doanh thu. Vì thế, việc các cá nhân, hộ kinh doanh, đơn vị từ chối nhận chuyển khoản, chỉ nhận tiền mặt, có thể do họ vẫn tính toán có những thủ thuật để gian lận, né thuế.“Mục đích chủ yếu khi chỉ nhận tiền mặt có thể là để giấu doanh thu. Trong trường hợp cửa hàng nào tuyên bố trả tiền mặt thu một giá, chuyển khoản lại thu giá cao hơn thì có thể gần như chắc chắn đó là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu nói vì quy định hóa đơn, chứng từ chặt chẽ hơn mà từ 1/6 người bán hàng thu thêm thuế 1,5% với người mua hàng là không phù hợp. Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, người tiêu dùng phải chịu, nhưng thuế thu nhập cá nhân là thuế của hộ, cá nhân kinh doanh phải chịu”, ông Được nói.
Khách hàng bức xúc, phản đối
Việc các hộ kinh doanh từ chối thanh toán bằng hình thức chuyển khoản khiến nhiều khách hàng rơi vào tình huống "dở khóc, dở cười".Anh Nguyễn Minh Đức (Tây Hồ, Hà Nội) kể: Ngày 3/6, anh tới uống cà phê tại một quán trên quận Hoàn Kiếm, đây là địa chỉ quen thuộc anh đã tới rất nhiều lần. Thế nhưng đến khi thanh toán 2 cốc nước với giá hơn 100.000 đồng, anh Đức định chuyển khoản như mọi lần thì được nhân viên thông báo chỉ nhận tiền mặt."Tôi quá đỗi bất ngờ và rơi vào cảnh không có tiền mặt trả. Thời đại 4.0, tất cả việc thanh toán từ cốc trà đá mấy nghìn cũng đã có thể thanh toán bằng chuyển khoản nên từ lâu tôi không còn dùng tiền mặt nữa. Vì vậy khi quán yêu cầu trả tiền mặt tôi không biết làm thế nào. Dù đã nói khó để được linh động nhưng nhân viên bảo đây là quy định mới của quán, không thể làm khác được. Tôi buộc phải tìm cây ATM gần nhất để đi rút tiền mặt về thanh toán", anh Đức nói.

"Tôi vẫn thường chuẩn bị một chút tiền mặt mang theo người phòng lúc cần dùng nhưng không nhiều. Khi quán yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt, tôi giải thích không có và xin chuyển khoản nhưng họ nhất quyết không đồng ý. Tôi buộc phải gom tiền mặt từ bạn bè mới đủ tiền thanh toán, sau đó về nhà chuyển khoản lại cho mọi người. Việc làm của nhà hàng này vô cùng bất tiện và đi ngược với xu hướng chuyển đổi số", anh Hà bức xúc nói.
Theo tìm hiểu, đây là phản ứng của không ít hộ kinh doanh khi chính sách thuế mới có hiệu lực. Từ ngày 1/6, theo quy định của Nghị định 70, hộ kinh doanh nộp thuế khoán có doanh thu năm 2025 từ 1 tỷ đồng trở lên bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền.Theo đó, người kinh doanh phải trang bị thiết bị, phần mềm và xuất hóa đơn cho mỗi giao dịch bán hàng. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế sẽ nắm được doanh thu thực tế. Dự kiến, có 37.000 hộ, cá nhân kinh doanh đang nộp thuế theo hình thức khoán sẽ phải chuyển đổi hình thức.Trước thay đổi này, nhiều hộ kinh doanh đã ra thông báo ngừng nhận thanh toán qua chuyển khoản, chỉ chấp nhận tiền mặt; một số khác vẫn nhận chuyển khoản nhưng tăng giá bán, với lý do “thực hiện luật thuế mới”.Tuy nhiên, theo đồn đoán trên mạng xã hội, do các tài khoản cá nhân có tổng số tiền giao dịch (chuyển đến và đi) trên 1 tỷ đồng/năm sẽ bị truy thu 1,5% trên tổng giao dịch nên người bán hàng chuyển sang thu toàn bộ bằng tiền mặt, hoặc nếu khách chuyển khoản thì sẽ xuất hóa đơn điện tử và trừ phí 1,5%.Trong khi đó, cũng có một số tìm cách né tránh quy định bằng cách yêu cầu khách để trống nội dung chuyển khoản.
Bình luận