
"Việc xây dựng Luật này còn mang ý nghĩa lịch sử to lớn, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lần đầu tiên được tổ chức ở nước ta", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, Bộ trưởng Nội vụ thông tin, dự thảo Luật xác lập mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã) thống nhất trong cả nước, phân định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền và cơ cấu tổ chức bộ máy của từng cấp chính quyền; thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ cho mô hình chính quyền địa phương ở đặc khu.Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ chỉnh lý, bổ sung các quy định về đơn vị hành chính, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn, thực hiện triệt để nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.Về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền, theo Bộ trưởng, để thể chế hóa các quan điểm, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, dự thảo Luật hoàn thiện các nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp giữa Trung ương với chính quyền địa phương, giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với chính quyền địa phương cấp xã một cách khoa học, đồng bộ, thống nhất.Bên cạnh đó, phân định rõ thẩm quyền giữa tập thể UBND và cá nhân chủ tịch UBND, tạo điều kiện thực hiện cơ chế điều hành linh hoạt, hiệu quả, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ chỉnh lý, bổ sung hoàn thiện các quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp và ủy quyền, cụ thể là bổ sung chủ thể phân cấp là HĐND và chủ tịch UBND cấp tỉnh; bổ sung cơ chế theo dõi, đánh giá và giám sát để điều chỉnh kịp thời các nội dung phân quyền, phân cấp. Luật cũng trao quyền cho chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc cấp mình và của UBND, chủ tịch UBND cấp xã, không để việc giải quyết công việc, thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp bị đình trệ, ùn tắc, kém hiệu quả.
"Đây là một bước cải cách mạnh mẽ nhằm đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tạo động lực đổi mới trong quản trị địa phương. Theo đó, các quy định này của Luật sẽ bảo đảm phát huy sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt, nâng cao hơn trách nhiệm của chủ tịch UBND, hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý hành chính nhà nước ở địa phương phù hợp với yêu cầu thực tiễn", bà Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Bình luận