Bắt đầu từ cành na học trò tặng
Cô giáo Huyền chia sẻ, niềm đam mê cắm cành quả đến với chị rất tình cờ. Cách đây hơn một năm, hai học sinh của chị mang đến nhà một cành na. Vốn là người yêu cái đẹp và có khiếu thẩm mỹ, chị và các em cùng thử cắm cành na vào bình chơi cho vui, ai ngờ thành phẩm lại quá ấn tượng. Lúc đó vì còn e ngại, chị không dám chia sẻ rộng rãi mà chỉ đăng bài ở chế độ riêng tư.




Mùa nào thức nấy, chị Huyền biến tất cả các loại quả mình có thành tác phẩm. Không giống như hoa dễ mua, dễ cắm và quen thuộc, việc cắm quả yêu cầu sự quan sát tinh tế, sự tỉ mỉ và khả năng “cảm” cái đẹp rất riêng. Chị kể: “Mùa nào có gì thì mình cắm cái đấy. Nhìn tưởng đơn giản mà không dễ đâu, vì phải cắm làm sao để quả vừa tươi lâu, vừa tạo được bố cục đẹp mắt".
Trong bộ sưu tập bình quả của mình, chị Huyền nhớ nhất là bình quả sung. Những quả sung xanh nhỏ, mọc thành chùm, khi được cắm vào bình gốm màu trầm lại trở nên vô cùng nổi bật, mang nét đẹp vừa hoài cổ vừa dân dã.Còn loại quả tươi lâu nhất từng được chị sử dụng là cà dại, mọc nhiều ở bờ đê. “Mình cắt một cành về cắm chơi mà để được cả tháng, nếu giữ kỹ thì có thể chơi được tới 2 tháng. Còn cau và dứa cũng khá bền, giữ được 25 ngày,” chị Huyền kể.
Trong khi đó, quả mai tứ quý rất đẹp nhưng chỉ giữ được khoảng 3 ngày là bắt đầu rụng. Những quả quất nhỏ chị đang cắm thì bền hơn, giữ màu tốt, đến ngày thứ 10 chỉ hơi quắt lại nhưng không bị rụng.Không cần bí quyết, chỉ cần đam mê
Khi được hỏi về bí quyết để quả tươi lâu, chị Huyền nói: “Mình không có bí quyết gì đâu, chỉ dùng nước sạch, tách gốc ra một chút cho quả hút đủ nước là được. Ngoài ra, để các cành đứng theo đúng thế, tôi thường chèn gạch vào bình để giữ cành được thẳng đứng. Còn lại, chủ yếu là nhờ vào sự kiên trì và niềm đam mê".
Sống ở quê, nguyên liệu để cắm cành quả với chị Huyền không thiếu, khi thì người quen mang đến tặng, khi thì chị tự đi chọn cành tại vườn nhà họ. “Ở quê mình dễ lắm, nhiều loại quả lắm. Chỉ có mấy loại có gai như cà dại, cà gai thì phải cẩn thận chút không lại bị đâm. Có lần chị giáo viên cùng trường gọi hỏi cách cắt cành roi vì loại này nếu không cắt khéo sẽ rụng hết. Nhưng nếu cắm lên bình rồi, để yên là chơi được cả tuần hơn", chị kể.
Dù nguyên liệu đơn giản, bình cũng không phải loại sang trọng đắt tiền nhưng qua đôi tay khéo léo và con mắt thẩm mỹ tinh tế của chị Huyền, mọi thứ như được “lên đời”. Nhiều bình quả lên ảnh khiến dân mạng mê mẩn, nhưng chị bảo “nhìn trực tiếp ngoài đời còn mê hơn nhiều”.





Chị Huyền chia sẻ, mỗi lần cắm được một bình quả ưng ý, chị thường ngắm nghía mãi không thôi, có khi còn xuýt xoa cả buổi. “Nhiều bình chụp lên ảnh không đẹp bằng thực tế, nhưng mình vẫn thấy mê lắm. Khi cắm còn phải tạo dáng cho cành, chọn bình cho hợp màu, hợp hình dáng. Bình thì mình có ít, nên có khi cắm chưa hợp hẳn nhưng vẫn thấy đẹp,” chị cười nói.
Sau khi cắm bình, các loại trái cây này vẫn có thể ăn bình thường, chỉ những loại trái dại khi khô héo chị mới bỏ đi. Điều hạnh phúc nhất với chị là gia đình, đặc biệt là chồng, ủng hộ sở thích này. Dù không gian nhỏ hẹp, anh vẫn luôn tạo điều kiện để chị “thỏa chí nghệ thuật”.Ban đầu chỉ là một thú chơi riêng, dần dần những bình quả của chị Huyền lan tỏa đến bạn bè, đồng nghiệp, học sinh và cả những người xa lạ trên mạng xã hội. Mỗi bức ảnh chị đăng tải nhận về hàng trăm lượt yêu thích, chia sẻ. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy những loại quả dân dã lại có thể trở nên đẹp đẽ, sang chản đến vậy khi cắm bình.Cùng ngắm những bình quả độc lạ mà chị Tạ Minh Huyền cắm thời gian qua.





















Bình luận