
Những năm qua, ngoài công tác chủ nhiệm lớp với đủ các loại giấy tờ quản lý phải hoàn thành, báo cáo, thì giáo viên có trách nhiệm phải thu tất cả khoản phí từ cha mẹ học sinh hàng năm, hàng tháng. "Không phải phụ huynh nào cũng chủ động đóng phí đầy đủ ngay khi cô gửi giấy báo lần đầu. Một số phụ huynh thường xuyên đóng muộn cả tháng, thậm chí hết cả học kỳ, gần cuối năm học mới hoàn thành nghĩa vụ này", cô nói.
Để có đủ tiền nộp về cho nhà trường, hoàn thành chỉ tiêu, giáo viên chủ nhiệm luôn bị đẩy vào tình cảnh đi "đòi nợ thuê"."Chuyện tiền nong xưa nay luôn là vấn đề nhạy cảm, nhiều khi nói không khéo sẽ tạo tâm lý không thoải mái cho phụ huynh, ai thiếu thông cảm lại nghĩ giáo viên được lợi lộc gì nên thúc giục thu tiền liên tục như vậy", cô Lê tâm sự. Đồ🌟ng nghiệp của cô còn thông báo trước lớp danh sách học sinh chưa nộp học phí để các con về nói với bố mẹ. Nhưng cô không làm vậy vì sợ các em xấu hổ với bạn bè.
Cô cũng tâm sự thêm, không phải lúc nào ban giám hiệu cũng thông cảm với khó khăn trong việc thu tiền của giáo viên chủ nhiệm. Có trường hợp nhà trường chấp nhận thất thu. Song có trường hợp giáo viên bị trừ lương hoặc phải chủ động bù tiền khi không thu đủ. Thầy Trần Đức Mạnh, (40 tuổi, giáo viên THPT ở Vĩnh Phúc) chung nỗi đau đầu mỗi khi thúc giục phụ huynh đóng tiền. Một số phụ huynh “nắm thóp” được rằng, trường học sẽ không đuổi học sinh vì không đóng tiền, bởi thế, họ thường xuyên dây dưa không chịu đóng các khoản tiền.Nếu chỉ vài ba người còn đỡ nhưng nhiều phụ huynh bắt chước nhau, người này không đóng, người khác sẽ bắt chước theo. Và, cứ thế, giáo viên phải đi làm việc không liên quan đến chuyên môn. Một năm, một trường học vài trăm học sinh cũng có đến vài chục người không chịu đóng tiền.Trong khi, có những khoản tiền đóng bắt buộc như tiền bảo hiểm y tế, tiền ăn trưa (với trường bán trú), tiền học phí… nhà trường không thu đủ sẽ không thực hiện tốt công tác bảo hiểm và không thể lo chu toàn bữa ăn cho học sinh. Khi một số trường “quàng” trách nhiệm đòi nợ, thu tiền lên vai giáo viên thì chuyện thất thu trong trường học giảm hẳn, có trường nhiều năm liền đã xóa sổ chuyện thất thu.Đây là lý do chính nhiều hiệu trưởng biết giao nhiệm vụ cho giáo viên thu tiền hay “đòi nợ” là không phù hợp nhưng vẫn không muốn làm khác."Việc miễn hoàn toàn học phí với học sinh cũng có ý nghĩa rất lớn với thầy cô, hết cảnh chạy theo phụ huynh đòi tiền như chủ nợ. Từ nay giáo viên sẽ yên tâm công tác hơn, tập trung chuyên môn mà không phải lo về thu tiền học sinh", vị giáo viên này nói.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT cả nước có 23,2 triệu học sinh (chưa bao gồm học sinh học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên).Để thực hiện chính sách miễn hoàn toàn học phí cho học sinh các cấp, cả nước sẽ cần tới 30.000 tỷ đồng/năm học (tính theo mức học phí hiện hành đóng trong năm học 2024 - 2025 được quy định tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ). Trên thực tế, mức ngân sách này sẽ phụ thuộc vào mức học phí cụ thể của từng tỉnh thành theo thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hàng năm.Còn với các trường dân lập, tư thục, học sinh sẽ được cấp bù học phí bằng mức học phí của trường công lập theo quy định của pháp luật; phần chênh lệch học phí giữa trường công lập và dân lập, tư thục sẽ do gia đình học sinh chi trả.
Bình luận