Chế tạo xe gom rác trên bãi biển
Để giải quyết vấn đề trên, cũng như giúp đội vệ sinh đỡ vất vả trong việc quét, hốt cát và sàng, tách để thu gom được rác, kỹ sư Trần Đình Minh (Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành) đã nghiên cứu và chế tạo thành công xe sàng cát lấy rác trên bãi biển."Đến nay, Công ty Nam Thành đã cải tiến và chế tạo 3 xe sàng cát lấy rác trên bãi biển với chi phí mỗi chiếc khoảng 800 triệu đồng, bằng khoảng 1/5 giá trị xe thu gom rác bãi biển chuyên dụng do các nước châu Âu sản xuất. Công suất của một xe sàng cát tương đương với 40 - 50 nhân công thu gom bằng thủ công trong cùng thời gian. Ngoài chức năng sàng lọc và thu gom rác, xe còn được thiết kế hệ thống san phẳng, tạo mặt cát trên bãi biển đều và đẹp mắt", kỹ sư Minh cho biết.
Không dừng lại ở đó, nhận thấy trên mặt nước biển hiện vẫn còn rất nhiều rác thải trôi nổi, kỹ sư Trần Đình Minh cùng các cộng sự tiếp tục nghiên cứu, chế tạo tàu thu gom rác trên mặt biển.Chiếc tàu có chiều dài khoảng 9m, rộng 5m, hệ thống càng thu gom rác dài 5m. Khi tàu hoạt động, hệ thống càng thu gom, vớt rác được vận hành bằng hệ thống thủy lực sẽ hạ xuống độ sâu từ 1 - 1,5m so với mặt nước, thu gom tất cả các loại rác như thùng xốp, vỏ chai nhựa, hộp đựng thức ăn và cả túi nilon trôi lơ lửng dưới mặt nước.Rác sau khi thu gom được băng chuyền tải đến các thùng chứa trên tàu để vận chuyển lên bờ, đưa về nhà máy xử lý.Qua hơn một năm đưa vào vận hành, tàu vớt rác trên biển do kỹ sư Trần Đình Minh chế tạo đã dần “lay động” ý thức tự giác của ngư dân trong việc cùng chung tay giữ giữ gìn vệ sinh môi trường biển.Hiện nhiều bè nuôi trồng hải sản trên biển và các tàu cá tại bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ đã trang bị giỏ rác để thu gom rác sinh hoạt và đem lên bờ bỏ đúng nơi quy định khi tàu cập bến.Chị Trần Thị Loan (khu phố 2, phường Đông Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết, do thói quen nên trước đây khi có rác thải sinh hoạt chị và gia đình thường vứt ra biển cho tiện. "Từ khi thấy hàng ngày tàu ra vớt rác trên biển, tôi nhận thấy mình không nên xả rác ra biển nữa, mà giờ tôi dồn rác lại bỏ vào giỏ, đến khi đầy đưa vào bờ để xe thu gom và nhà máy xứ lý", chị Loan cho biết.
Biến rác thải thành tiền
Với nhiều người, rác thải chỉ là những thứ vứt đi, nhưng kỹ sư Trần Đình Minh lại nghĩ khác, ông luôn suy nghĩ, tìm tòi để tìm hướng biến rác thải thành những sản phẩm có ích.Cho đến bây giờ khi nhắc lại câu chuyện của ngày đầu khởi nghiệp, kỹ sư Minh vẫn còn cảm xúc khó tả. Ông không nghĩ mình sẽ khởi nghiệp và làm giàu từ rác và gắn bó công việc với rác.Từ ý tưởng xử lý rác thành những sản phẩm có ích, ông và các cộng sự đã miệt mài nghiên cứu nhiều năm và trải qua nhiều lần thất bại để cho ra đời dây chuyền xử lý rác thải đầu tiên ở Việt Nam."Nói đến rác thường nhiều người trong chúng ta không gây thiện cảm, thậm chí còn xem là thứ dơ dáy, kinh tởm, nhưng phải nhìn nhận có con người mới có rác thải. Và tôi luôn tự hào với công việc thu gom và xử lý rác thải của mình trong những năm qua đã góp phần làm cho môi trường của tỉnh Ninh Thuận thêm sạch đẹp, cũng như dần thay đổi tư duy, cách nhìn nhận của người dân trong tỉnh và du khách về rác cũng như cách ứng xử khi thải rác tốt hơn", kỹ sư Minh chia sẻ.


"Biển đang ô nhiễm là một thực tế đang hiện hữu trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Muốn biển sạch gốc rễ vẫn là ý thức của mỗi chúng ta. Nếu chúng ta chưa làm được điều gì lớn lao để bảo vệ môi trường thì chỉ cần làm một việc nhỏ, một việc ai cũng có thể làm đó là bỏ rác đúng nơi quy định", kỹ sư Minh chia sẻ.
Bình luận